ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Thiết chẩn - 27 bộ mạch

Thứ tư - 14/08/2019 19:46
Trong 27 tên mạch, người xưa phân loại “Thất biểu, Bát lý, Cửu đạo và Tam mạch” chỉ là khái quát để chúng ta hiểu rằng “Mạch có Âm Dương, Biểu Lý và Đạo Mạch” phải lưu tâm tìm hiểu.
ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Thiết chẩn - 27 bộ mạch
ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Thiết chẩn - 27 bộ mạch
HAI MƯƠI BẢY MẠCH

1. TÊN MẠCH
Số mạch chính có 27, nếu kể cả mạch Tuyệt là 28.
Trong số 27 tên mạch, người xưa phân loại Âm Dương, Biểu Lý và Đạo, Mạch :
- Phù, Khổng (Khâu), Hoạt, Thực, Huyền, Khẩn và Hồng là 7 mạch ở Biểu, thuộc Dương, gọi là “Thất biểu”.
- Vi, Trầm, Hoãn, Sắc, Trì, Phục, Nhu và Nhược là 8 mạch ở Lý, thuộc Âm, gọi là “Bát Lý”.
- Tế, Sác, Động, Hư, Xúc, Kết, Tán, Đại (Đợi) và Cách là 9 mạch thuộc Đạo, gọi là “Cửu đạo”.
- Trường, Đoản và Đại 3 mạch, gọi là “Tam mạch”.
-Tổng cộng 27 mạch (7 Biểu, 8 Lý, 9 Đạo, 3 Mạch là 27”.
(Trong các tên mạch có 2 tên mạch Đại : 1). Đại là thay đổi, đọc là Đợi. 2).Đại là to lớn. Còn Khổng hay Khâu cũng là một, Sắc hay Sáp cũng là một, nên nhớ mà phân biệt. Ta cũng nên biết, mỗi tên mạch chỉ có một chữ, không có tên mạch nào 2 hay 3 chữ vậy).
Nhận xét: Trong 27 tên mạch, người xưa phân loại “Thất biểu, Bát lý, Cửu đạo và Tam mạch” chỉ là khái quát để chúng ta hiểu rằng “Mạch có Âm Dương, Biểu Lý và Đạo Mạch” phải lưu tâm tìm hiểu. Thực ra thấy rằng: 7 mạch ấy thuộc Biểu, 8 mạch ấy thuộc Lý, hẳn là chưa đủ mà cũng chưa hẳn trói chặt như vậy là đúng cả. Còn 9 Đạo cũng chỉ tựa như 9 Hậu (9 nấc xem mạch), Nội kinh cũng nói không có mạch nào trong mục Cửu đạo. Còn lẻ 3 mạch Trường, Đoản, Đại không xếp vào câu nào cho gọn thì đặt ở ngoài, gọi “Tam mạch”. Nếu xếp vào được thì Trường, Đại không phải là Dương mạch và Đoản không phải là Âm mạch sao?

Người xưa đã xếp tất cả các tên mạch trên thành bài thơ để chúng ta dể đọc dễ nhớ, phòng khi có người hỏi : 27 mạch là những gì?. Chúng ta nhẩm bài thơ trả lời được ngay.
Phù, Khổng, Hoạt, Thực, Huyền, Khẩn, Hồng.
Bảy mạch thuộc Biểu ở Dương cung.
Vi, Trầm, Hoãn, Sắc, Trì, Nhu, Phục.
Và Nhược là Âm, tám Lý cùng.
Tế, Sác, Động, Hư, Xúc, Kết, Tán
Đợi, Cách nữa là chín Đạo trung.
Cộng chung Trường, Đoản, Đại ba mạch.
Hai mươi bảy mạch thuộc nằm lòng.

2. HÌNH THỂ TRẠNG THÁI CÁC MẠCH
Hình thể hiển nhiên hữu hình. Trạng tháy mù mờ không nhất định, vô hình. Vậy mạch có cả hữu hình và vô hình.
Khi ta để tay xem đường mạch ở Thốn khẩu, nhận định hình thể mạch nhỏ to, dài ngắn, dầy mỏng, cứng mềm và trạng thái khoan hòa hay cấp bách, lơ mơ hay rõ ràng cùng đường đi nước bước của nó nổi chìm, chậm mau, liên tục hay gián đoạn thế nào để biết là mạch gì.
Ta học mạch cần phải suy rộng nghĩa từng tên mạch cho rõ ràng. Mỗi tên mạch đều có nghĩa chính, nghĩa phụ, nghĩa bóng v.v…Có suy tìm mới mau hiểu và hiểu chính xác. Vì tên mạch đều bằng chữ Hán (Nho) mà lại hiểu ra tiếng Nôm, rất dễ bị lầm. bài này nói đến 28 mạch (kể cả mạch Tuyệt).

     2.1.MẠCH PHÙ
Phù là nổi. Vật nhẹ thì nổi phồng lên trên, như gió thổi phồng.
Mạch Phù nổi như gió thổi, gió thổi mạnh thì đi nhanh, đi gọn trong ống mạch, nổi cao mà thẳng. Gió thổi yếu thì đi chậm, đi mở rộng ra hai bên ống mạch, không nổi cao mà lại bè ra dèn dẹt.
Mạch Phù nổi lên dưới làn da, trên thịt (nơi da thịt giáp nhau), để nhẹ ngón tay xem đã thấy sức mạch đi đẫy đà (hữu dư), mà ấn nặng ngón tay xuống thì không thấy gì, dù có thấy cũng rất yếu ớt (bất túc).
Mạch Phù chủ bệnh ngoại cảm, phong: phong nhiệt, phong hàn, phong đàm, phong thấp, phong độc v.v…

     2.2. MẠCH TRẦM
Trầm là chìm, vật nặng thì chìm xuống như đá nặng thì chìm sâu.
Mạch trầm chìm như đá nặng. Đá nặng nhiều thì chìm sát xương, đá nặng vừa thì chìm lơ lửng trên xương.
Mạch trầm chìm xuống đi dưới thịt, trên xương (nơi thịt xương giáp nhau), ấn nặng ngón tay xuống thì sức mạch đi mạnh chắc (hữu dư), mà nâng ngón tay lên thì sức mạch đi yếu, hầu như không có (bất túc).
Xem hai mạch Phù Trầm căn cứ vào để nhẹ tay, ấn nặng tay mà biết. Nhẹ tay đã thấy mạch Phù, nặng tay mới thấy mạch Trầm.
So sánh 2 mạch Phù Trầm. Phù nổi không chìm (phù bất trầm). Trầm chìm không nổi (trầm bất phù). Phù hữu dư, Trầm bất túc. Phù thuộc Phong, bệnh ở Biểu, là Dương. Trầm thuộc Khí Huyết, bệnh ở Lý, là Âm.
Mạch trầm chủ bệnh Khí. Khí trầm tích không lưu hành thông hoạt là bệnh : Khí thống, khí uất, khí nhiệt, khí hàn, khí tích, khí trệ, khí nghịch v.v…

     2.3. MẠCH TRÌ
Trì: là chậm, sức mạch đi chậm chạp. Cứ một hơi thở (thở ra hít vào là một hơi, tên chữ là “nhất tức”) của thầy thuốc, Mạch của người bệnh đi đến dưới ngón tay thầy thuốc 3 lần, có khi chậm quá chỉ đếm 2 lần (nhất tức tam chí hay nhị chí). Khi mạch đi chậm phải nhận biết là phù án chậm hay trầm án chậm hoặc cả phù trầm đều chậm.
Mạch trì chủ bệnh Hàn. Bởi dương khí suy hư, tức Chân hỏa yếu kém, làm trong bụng hàn mà ngoài da cũng cảm hàn (biểu lý đều hàn).

     2.4. MẠCH SÁC
Sác: là mau, là luôn luôn. Sác mạch đi luôn luôn mau lẹ. Cứ một hơi thở của thầy thuốc, mạch của người bệnh đi đến dưới ngón tay thầy thuốc 6 lần (nhất tức lục chí). Khi mạch đi nhanh phải nhận biết là Phù án nhanh hay Trầm án nhanh, hay cả  Phù Trầm đều nhanh.
Xem hai mạch Trì Sác, căn cứ vào hơi thở với số mạch đến nhiều ít mà biết : Tam chí là trì, lục chí là sác.
So sánh hai mạch Trì Sác:Trì chậm không nhanh, Sác nhanh không chậm. Trì bất cập, Sác thái quá. Trì là bệnh hàn ở tạng, thuộc Âm, Sác là bệnh nhiệt ở phủ, thuộc Dương.
Mạch Sác chủ bệnh nhiệt, nhẹ thì toàn thân nóng nảy bứt rứt, nặng thì Tâm buồn phiền phát cuồng loạn.
Phù, Trầm, Trì, Sác 4 mạch này đã nói lên đủ cả Âm Dương, Biểu Lý, Hàn Nhiệt. Các mạch sau đây, sức mạch đi tuy có khác nhưng cũng không ra ngoài cái lý Âm Dương, Biểu Lý, Hàn Nhiệt ấy. Cho nên 4 mạch này là tiêu chuẩn để xem tất cả các mạch nói sau. Vây ta nên suy xét tìm hiểu 4 mạch đầu này cho tinh kỹ, các mạch sau rất dễ hiểu.

     2.5. MẠCH HOẠT
Hoạt: là trơn tuồn tuột. Sức mạch đi tuồn tuột mau chóng như chuỗi hạt châu lăn tuồn tuột ở dưới tay, trơn tuột không rít rịt (thực ra chỉ 1 hay 2 hạt mà thôi, không có một chuỗi. Xem bài Định Ninh tôi xem mạch ở phần phụ lục và xem mạch Động số 21 mà so sánh).
Mạch Hoạt chủ bệnh Đàm. Máu và nước cùng những chất nhựa của thức ăn theo khí dẫn ngược lên úng kết lại làm đàm.

     2.6. MẠCH SÁP (SẮC)
Sáp, Sắc cũng là một, đồng nghĩa rít rìn rịt (đừng hiểu lầm Sắc là bén, sắc sảo). Sức mạch đi trì trệ, rít rịt tựa như dựng đứng lưỡi dao, cạo vào ống tre, nó rít rịt không trơn. (Biết rằng nó kéo dưới ngón tay ta từng vết, từng vết rít rịt, chứ không có tiếng kêu).
Xem hai mạch Hoạt, Sáp căn cứ vào sức mạch đi trơn hay rít mà biết. Hoạt trơn không rít. Sáp rít không trơn. Hoạt hữu dư, Sáp bất túc.
Mạch Sáp chủ về Tinh Huyết suy kiệt. Nam nhân có mạch Sáp, phòng lao quá, Tinh suy kiệt. Nữ nhân có mạch Sáp, Huyết trì trệ ứ đọng hay băng lậu. Nếu khi mang thai mà có mạch Sáp thì trong thai thiếu máu, thai bị đau.

     2.7. MẠCH ĐẠI
Đại là to lớn. Sức mạch đi Phù án thì như nước nổi lên tràn đầy dưới ngón tay ta, mà Trầm án thì lại lan rộng ra mà mềm yếu đi, tức là phù án thì hữu lực, mà trầm án thì vô lực.
Mạch Đại chủ bệnh đang phát nặng. Vì Khí Huyết suy không đử sức chế ngự Tà khí, Tà khí mạnh hơn Khí huyết thì bệnh phát nặng.

     2.8. MẠCH HOÃN
Hoãn là thong thả hòa hoãn. Sức mạch đi thong thả hòa hoãn, một hơi thở mạch đến 4 lần (nhất tức tứ chí).
Xem 2 mạch Đại Hoãn căn cứ vào sức mạch đi “đẫy đà hơi gấp và êm dịu khoan hòa” mà biết. Đại to không nhỏ. Hoãn khoan hòa không gấp.
So sánh 2 mạch Đại Hoãn: Đại thì Tà khí thắng Chính khí, nghĩa là tà khí đang là dữ nên mạch to lớn. Hoãn thì Chính khí đã thắng tà khí, nghĩa là chính khí đã trở lại, tà khí phải rút lui, nên mạch êm dịu. Đại to lớn, khác hẳn mạch Tế, mạch Vi. Hoãn tứ chí, nhanh hơn Trì tam chí, chậm hơn Sác lục chí.
Mạch Hoãn chủ 2 loại bệnh theo thời gian:
- Trong khi mắc bệnh hàn hay bệnh nhiệt gì đó đang làm dữ mà xem thấy mạch Hoãn là tà khí đã thoái, Chính khí đang hổi phục, tức bệnh sắp khỏi.
-Khi bình thường không bệnh mà xem thấy mạch Hoãn thì lại là Khí huyết hư không đủ vinh dưỡng ra ngoài thân thể sẽ làm da thịt dộp khô tê cứng.
Phù, Trầm, Trì, Sác 4 mạch cốt yếu nói trên là tiêu chuẩn để xem các mạch khác cho biết bệnh. Nhưng nếu nhận thấy còn cao sâu khó hiểu, xem thêm 4 mạch Hoạt Sáp Đại Hoãn này nữa cho thông hiểu hơn. Nói chung tất cả 8 mạch Phù, Trầm, Trì, Sác, Hoạt, Sáp, Đại, Hoãn đều là cốt yếu, đều là tiêu chuẩn để xem các mạch nói sau.

     2.9. MẠCH HỒNG (HAY MẠCH CÂU)
Hồng là rộng lớn, Câu là móc câu. Sức mạch đi rộng chắc trong đường mạch mà vươn mạnh lên rồi lại lùi xuống, lùi xuống rồi lại vươn lên đều mạnh, khác nào như sóng nước nổi lên, lùi xuống từng đợt, từng đợt. Trong chổ nổi lên lùi xuống đó, tạo ra hình móc câu. Phù án, Trầm án cũng đều như thế. Trong chỗ mạch đi vương lên lùi xuống ấy, nó uốn cong cong như móc câu, nên còn gọi mạch Câu. Mùa Hạ mà có mạch Câu (Hồng) thì tốt, vì sức nóng của con người hợp với khí nóng của mùa Hạ. Vậy nói “Hạ mạch Hồng, Hạ mạch Câu hay Hạ Hồng Hạ Câu” cũng thế.
Mạch Hồng chủ bệnh nhiệt. Vì khí huyết khô nóng nên cả Biểu và Lý đều nhiệt cực.

     2.10. MẠCH THỰC
Thực là rắn chắc. Rắn chắc thì không mềm không rỗng. Nghĩa là đã Thực thì không Hư. Hư phản nghĩa với Thực. Sức mạch đi Phù án hay Trầm án đều đánh phừng phực dưới ngón tay rất mạnh (hữu dư) (xem mạch Hư số 19 mà so sánh).
Mạch Thực chủ bệnh nhiệt. Vì khí đã thực nhiệt, thì huyết cũng theo khi lưu hành làm cho cả khí và huyết đều nhiệt cực.
    
     2.11. MẠCH HUYỀN

Huyền là dây (dây cung nỏ hay dây đàn). Sức mạch đi trong đường mạch như có sợi dây cứng thẳng, to thì như dây cung nỏ đã kéo lên cứng thẳng, nhỏ thì có cạnh sắc như dây đàn đã vặn thẳng. Phù án hay Trầm án cũng đều thấy cứng thẳng (xem bài Định Ninh tôi xem mạch).
Mạch Huyền chủ bệnh lao. Làm việc nhiều, suy tư, lại tửu sắc quá, Khí Huyết hao mòn suy bại thành lao.

     2.12. MẠCH KHẨN
Khẩn là găng gấp không rùn. Sức mạch đi tựa như tay cầm đầu dây mà kéo thẳng sợi dây ra, vừa kéo vừa vặn săn vào, nó găng gấp không để nó rùn lại. Trong đường mạch có sợi dây như vậy. “Đó là công việc làm thủ công nó găng gấp, đừng hiểu chữ “khẩn” này là chạy việc gì khẩn cấp).
Mạch khẩn chủ bệnh đau bởi lạnh (hàn thống). Khí sức trong người suy kém, Hàn tà xâm nhập, đánh nhau với Khí Huyết. Khí huyết rối loạn làm ngoài đau xương đau mình, trong đau ruột đau bụng v.v…

     2.13. MẠCH TRƯỜNG
Trường là dài không ngắn. Sức mạch đi dù mạnh dù yếu đều chạy ra ngoài bản vị của mạch. Ví dụ : từ bộ Xích chạy tuột ra cả ngoài bộ Thốn. Mạch Trường dài trái vói mạch Đoản ngắn (xem mạch Đoản số 24 mà so sánh).
Mạch Trường chủ về khí, khí huyết có mạch lạc đường lối phân minh là không rối loạn. Nếu khi có bệnh, thấy mạch Trường kèm theo mạch Hoãn thì bệnh gì cũng dễ trị.

     2.14. MẠCH KHỔNG HAY MẠCH KHÂU
Khổng là rỗng không, rỗng không như cọng hành hay như ống cao su nhỏ. Sức mạch đi trong ống, ấn nặng tay xem 2 đầu ống vẫn còn mạch mà ở giữa ống rỗng không như không có mạch. Mạch khổng thuộc Âm huyết. Âm huyết thường bị thiếu cho nên ống mạch thường gián đoạn.
Mạch Khổng chủ bệnh Huyết. Huyết ứ trệ không lưu hành điều hòa hay làm băng lậu, các loại bệnh mất máu.

     2.15. MẠCH VI
Vi là nhỏ bé. Đường mạch bé nhỏ như sợi tơ qua lại, tựa hồ có, tựa hồ không, lơ mơ không rõ ràng, hầu như sợi tơ nhện rất dể bị đứt. (Những người có mạch Vi này, phần đông da thịt mỏng mà nhăn nheo).
Mạch vi chủ bệnh Hàn. Khí Huyết hư hàn, kết lạnh dưới rốn làm đau bụng ỉa chảy.

     2.16. MẠCH TẾ
Tế là nhỏ. Sức mạch đi tuy nhỏ, nhưng còn có thể xem thấy nó có đi, có lại, chứ không quá nhỏ như mạch Vi. Tức là Tế còn lớn hơn Vi một chút (ta hiểu nhỏ có nghĩa đường mạch teo nhỏ như sợi chỉ, chứ không còn là cái ống mạch nữa).
Mạch Tế chủ bệnh khí huyết suy. Nguyên khí và Tinh huyết đều suy kém.

     2.17. MẠCH NHU
Nhu là mềm yếu. Sức mạch đi hoàn toàn vô lực, rất là mềm yếu, nhè nhẹ tay xem, thấy mạch đi vút dưới ngón tay mà hơi ấn ngón tay xuống một chút lại không có gì. Xem đi, xem lại, lắng nghe thật kỹ cũng vậy, nghĩa là không chịu để yên cho mà xem thấy sức mạch thế nào.
Mạch Nhu chủ bệnh Khí Huyết suy kém, lắm mồ hôi. Dương khí không đủ lực bảo vệ bì phu, cho nên mồ hôi ra nhiều (mồ hôi cứ tự nó cứ ra hoài, gọi là tự hãn). Những người già yếu có mạch Nhu, không sao. Những trai tráng và trẻ nhỏ có mạch Nhu không tốt.

     2.18. MẠCH NHƯỢC
Nhược là yếu ớt. Sức mạch đi yếu ớt. Ấn nặng ngón tay xuống xem hầu như mất hẳn, nâng nhẹ ngón tay lên hoàn toàn không có gì. Đôi khi thấy tựa hồ có, tựa hồ không, như muốn mất hẳn trong cái khoảng có có không không ấy.
Mạch nhược chủ bệnh Tinh Huyết hao mòn suy kém. Hay đau ê xương thịt. Người già có mạch này bệnh, bệnh này cũng không lo ngại, vì tuổi già thì Khí Huyết phải suy.

     2.19. MẠCH HƯ
Hư là rỗng tuyếch. Rỗng tuyếch thì không đầy không chắc. Nghĩa là đã hư thì không thực. Sức mạch đi dù để nhẹ tay hay ấn nặng tay xuống xem đều thấy rộng ngang ra hai bên đầu ngón tay, nhưng trong thì rỗng tuyếch mềm xèo không rắn chắc, tức không có lực bất túc (xem mạch Thực số 10 mà so sánh).
Mạch Hư chủ bệnh Khí Huyết đều suy yếu quá mức hay làm hoảng hốt kinh sợ.

     2.20. MẠCH  CÁCH
Cách là cải cách, là đổi thay (không phải cách xa). Khí Huyết trong người khi có thay đổi thấy mạch Cách. Ví dụ : di tinh hay băng huyết vậy. Cách còn có nghĩa là da, mạch rắn chắc như để tay đè lên mặt da trống. Sức mạch đi dù để nhẹ tay hay ấn nặng tay xuống thấy đều rắn chắc như có tiếng đánh bừng bực dưới tay ta vậy.
Mạch Cách chủ bệnh hao Tinh tổn Huyết. Nam nhân có mạch Cách hay bị di tinh, Nữ nhân có mạch Cách hay bị băng lậu, mang thai có mạch Cách hay bị hư thai. Đó là Khí Huyết tự nó đổi thay theo mức độ quen, tùy khứ, tùy lưu. Mạch này thuộc loại kỳ lạ. Bệnh này thuộc loại chân hư hàn.

     2.21. MẠCH ĐỘNG
Động là chuyển động không đứng yên. Sức mạch đi, để nhẹ tay thì không thấy, mà ấn nặng ngón tay xuống suy tìm thì có chuyển động, nhưng nó quay quay chuyển động như hạt đậu xoay đi xoay lại ở nguyên một chổ dưới đầu ngón tay ta chứ không xê dịch đi lại ra vào (xem mạch Hoạt số 5 mà so sánh).
Mạch Động chủ bệnh Huyết thoát (mất máu), như bệnh băng, lậu, tả lỵ, ho ra máu… bệnh lâu ngày làm hư lao.

     2.22. MẠCH TÁN
Tán là tan rã, là tản mát không tụ hội lại. Sức mạch đi đi lại lại, tản mát mơ màng không rõ, không có chủ đích đi ở đầu ngón tay. Để nhẹ tay thì có, mà ấn nặng tay thì không có gì. Tức là mạch chỉ có phảng phất ở ngoài (biểu) không có chủ đích ở trong (lý).
Mạch tán chủ bệnh khí tán : Khí đã phân tán không hòa hiệp với Huyết. Khí đã tán, không tụ lại đi trong đường mạch, tức là khí ở ngũ tạng lục phủ đều chia ly phân tán. Khó cứu trị (*)
(*) Tìm hiểu thêm cho rõ : Nếu có người muốn hỏi “Đã nói TÁN là loại mạch xấu, tại sao mạch Tâm và Phế đều phù mà Tán lại bảo là mạch bình thường?
Trả lởi: Trong mạch Phù Đại của Tâm có Đợi lẫn Nhu, trong Mạch Phù Sáp của Phế có Đợi lẫn Đại. Hai mạch đều tựa như Tán, không thật là Tán, nếu thật là Tán, bảo là mạch bình thường sao được. Thật đấy, hai mạch này không Đợi Tán mới đúng là mạch của “Tâm hạ hỏa, Phế thu kim” vậy.

     2.23. MẠCH PHỤC
Phục: không phải là phục tùng, phục vụ, mà là nằm rạp xuống, nằm nép vào một bên không để cho người ta thấy. Ví như “phục kích”. Phục kích nằm phục một bên đường. Mạch đi nén vào bên cạnh gân xương, mà chìm sâu xuống. Khi xem phải để đầu ngón tay ấn sâu xuống, móc vào bên gân xương mà đun đi đẩy lại mới thấy.
Mạch Phục chủ bệnh Quan, bệnh Cách, nghĩa là tà khí ẩn phục ở trong, âm dương bị bế tắc không phát tiết thông đạt ra được, bắt đái, đái không ra (bệnh Quan), ăn vào bắt thổ ra (bệnh Cách).

     2.24. MẠCH ĐOẢN
Đoản là ngắn không dài. Sức mạch đi ngắn cụt, chỉ xê dịch yếu ớt ở dưới đầu ngón tay, không vượt ra ngoài đầu ngón tay được, tức là Khí không đủ sức đẩy đi. Mạch Đoản ngắn trái với với mạch Trường dài (xem mạch Trường số 13 mà so sánh).
Mạch Đoản chủ bệnh Khí thiếu (thiếu hơi thở, đoản hơi thở), bởi Phế khí hàn trệ hay Vị khí suy nhược làm mệt nhọc, đoản hơi không thở được hơi dài. Bất luận bệnh gì hễ thấy mạch Đoản đều khó trị.

     2.25. MẠCH XÚC
Xúc là gấp, mau, nhanh. Sức mạch đi mau, đi nhanh như mạch Sác, nhưng bất thường ngừng lại một cái rồi mới đi lại, chứ không đi liên tục.
Mạch Xúc chủ bệnh nhiệt cực. Dương khí quá thịnh. Âm khí không đủ sức hòa hiệp cho cân bằng, nên Dương nhiệt kết lại ở trong (lý phận).

     2.26. MẠCH KẾT
Kết là kết chặt lại, sít lại, chậm lại. Sức mạch đi sít kết lại chậm trễ như mạch Hoãn, mạch Trì nhưng bất thường ngừng lại một cái rồi mới lại đi chứ không đi liên tục.
Mạch Kết chủ bệnh Tích, Âm khí quá thịnh, Dương khí không lọt vào trong hòa hiệp thì ngoại tà hiệp với nội tà đình trệ lại làm Tích.

      2.27. MẠCH ĐỢI (ĐẠI)
Đợi là chở đợi, là thay đổi. Sức mạch đi phải chở đợi mà thay đổi. Nghĩa là mạch đi nữa chừng không đủ khí sức đi liên tục, phải ngừng lại chờ đợi đợt khác đến thay mới có lực đi tiếp. Mỗi khi ngừng để chờ đợi ấy có số đếm của mạch đi nhất định chứ không bất thường như Xúc, Kết.
Mạch Đợi chủ Tạng khí suy. Nguyên khí của một tạng nào đó đã suy, nguyên khí của Tạng khác phải đến thay vào đó. Tức là 1 tạng đã tuyệt khí, dần dần sẽ đến tạng khác tuyệt khí. Mạch này là mạch chết.

     2.28. MẠCH TUYỆT (TÊN MẠCH ĐỜI TIỀN CỔ)
Tuyệt là hết là mất, đã mất hết mạch thì chết. Nhưng Phù án mất mà Trầm án hãy còn, gọi là Phù tuyệt. Trầm án mất mà Phù án hãy còn, gọi là Trầm tuyệt. Phù, Trầm 2 cái còn một, còn có cơ cứu chữa, nếu cả 2 đều tuyệt, khó sống.

3. NHỮNG MẠCH THỂ TRẠNG GIỐNG NHAU
Cần nhận định về hình thể và trạng thái đi lại của những mạch giống nhau cho tinh kỹ. Mỗi mạch chủ một bệnh, mà trong chổ giống nhau đó, nó chỉ khác nhau một chút mà thôi, nếu nhận lầm một ly, trị liệu sẽ sai đi hàng dặm.
  • 3.1. Phù giống Khổng mạch cùng nổi cao đi rộng, nhưng Khổng thì xẹp rỗng ở quãng giữa, mà Phù đi đầy thẳng suốt đầu giữa đuôi.
  • 3.2. Phù giống Hồng mạch cùng nổi cao, đi nhanh, nhưng Hồng thì cứng mạnh rắn chắc mà Phù đi nhẹ nhàng mỏng manh.
  • 3.3. Phù giống  mạch đi cùng nổi, nhưng Hư đi yếu phải nhấn ngón tay một chút mới thấy (vô lực) mà Phù đi mạnh để nhẹ tay đã thấy (hữu lực).
  • 3.4. Hoạt giống Động, mạch cũng như có hạt tròn dưới tay, nhưng Động như hạt đậu đứng y một chỗ xoay tròn, mà Hoạt như hạt châu đi lại trơn tuột.
  • 3.5. Hoạt giống Sác, mạch cũng đi mau, nhưng sức mạch Sác chạy đến mạnh và mau, mà sức mạch Hoạt đi và đến đều linh hoạt nhẹ trơn.
  • 3.6. Thực giống Cách, mạch cũng rắn chắc, nhưng Cách rắn chắc như ngón tay đè trên mặt trống chỉ bừng bừng, mà Thực rắn chắc có sức đi lại vừa to vừa dài.
  • 3.7. Huyền giống Khẩn, mạch cũng có sợi dây, Nhưng Khẩn giống như sợi dây vừa kéo vừa vặn, mà Huyền thì cố sức kéo thằng sợi dây.
  • 3.8. Hồng giống Đại, mạch cũng to lớn, nhưng Đại to mà ấn xuống vô lực. Còn Hồng to, nâng lên ấn xuống đều có lực.
  • 3.9. Vi giống Sáp, mạch cũng nhỏ rít, nhưng Sáp đi ngắn chậm rít nhỏ, mà Vi đi nhẹ nhàng nhỏ mịn như lông.
  • 3.10. Trầm giống Phục, mạch cũng chìm sâu, nhưng Phục chìm nép một bên, mà Trầm chìm thẳng xuống sâu, chứ không phải Phục chìm sâu hơn Trầm.
  • 3.11. Hoãn giống Trì, mạch cũng đi chậm, nhưng Hoãn (tứ chí), nhanh hơn Trì (tam chí) một chút.
  • 3.12. Trì giống Sáp, mạch cũng chậm chạp, nhưng Sáp đi ngắn ngủi chậm chạp khó khăn, mà Trì còn nhanh hơn chút (tam chí).
  • 3.13. Nhược giống Nhu, mạch đi cùng yếu ớt, nhưng sức Nhu đi còn xem thấy mềm mại mỏng manh, mà sức Nhược không có gì.
  • 3.14. Tán giống Đại, mạch đều mở ra ngoài, nhưng Đại còn hơi có lực hầm hập ở trong mà Tán hoàn toàn không có gì ở trong cả.
  • 3.15. Xúc, Kết, Đợi (Đợi tức Đại) 3 mạch cùng giống nhau ở chổ đang đi lại ngừng lại một cái rồi mới đi. Nhưng Xúc đi gấp như mạch Sác, Kết đi chậm như mạch Hoãn. Xúc với Kết đang đi, bất thường ngừng lại rồi lại đi, chứ không tính là đi mấy cái mới ngừng. Còn Đợi, trước khi thấy Sáp Nhu mới thấy Đợi. Đợi đang đi thì ngừng, có số nhất định. Ví dụ : Trước đi 10 cái thì ngừng, sau cũng đi 10 cái lại ngừng, hay trước đi 20 cái thì ngừng, sau cũng đi 20 cái lại ngừng, dù số nhiều 30, 40 cái hay số ít 3, 4 cái cũng đi cũng ngừng như vậy.
Nhưng mạch giống nhau ấy khác nhau về nặng nhẹ, dài ngắn, sâu nông, dầy mỏng trong ly tấc rất khó thông suốt. Bởi vậy viết thành văn vần sau đây để người hiếu học dễ thuộc nằm lòng.
BÀI VĂN VẦN
Phù với Khổng cùng đi nổi rộng
Khổng đi ngăn giữa ống, Phù không
Phù, Hồng cùng chạy mênh mông
Phù bùng nổi nhẹ, Hồng bùng mạnh hơn
Phù, Hư khác trên làn da lướt
Mạnh là Phù, yếu ớt là Hư
Hoạt như chuỗi ngọc trơn tru
Động như hạt đậu nằm xù lung lay
Hoạt với Sác cùng bày nhanh nhẹn,
Hoạt đi nhanh, Sác đến nhanh ghê
Thực Cách Thực bừng bừng đi
Cách trên mặt trống đứng y bừng bừng
Huyền với Khẩn, Huyền trương cung thẳng
Khẩn tượng như chuyển vặn dây thừng
Nặng tay xem Đại khác Hồng
Đại đi mềm mỏng, Hồng từng sức dư
Vi với Sáp, Sáp lừ đừ nhỏ rít
Vi như tơ, dễ mịn, khó phồng
Trì với Sáp chớ tương đồng
Trì ba lần đến, Sáp chừng một hai
Trì, Hoãn chậm, Trì dằng dai hơn Hoãn
Phục, Trầm sâu, Phục lẻn choán bên nằm
Nhược, Nhu nghe kỹ khí trầm
Nhu còn nhúc nhích, Nhược nằm tựa không
Xúc, Kết, Đợi cùng ngừng cùng chạy
Xúc đi mau, Kết, Đợi lừng chừng
Xúc, Kết kia không định số ngừng
Đợi có định số mới ngừng mới đi
Tán với Đại xem khi trọng án
Tán không còn, Đại vẫn mênh mông
Ta xem tất cả dị đồng
Nhận từng thể trạng hiểu thông tỏ tường !

4. MẠCH KIÊM KIẾN:
Phần trên đã đề cập mỗi mạch một chủ bệnh. Phần này nói đến mạch kiêm kiến, tức mạch nọ kiêm mạch kia, lại có một chủ bệnh khác.
Trong mạch kiêm kiến, mạch nói trước là Chủ, mạch nói sau là Phụ, dù hai ba mạch nói sau cũng đều là phụ cả.
Ví dụ : Phù kiêm kiến Hoạt và Huyền : Phù là Chủ, Hoạt và Huyền là Phụ.
Hoạt Bá Nhân : Người ta dù trăm ngàn bệnh, suy tính ra cũng chỉ trong vòng 4 loại : Hàn, Nhiệt, Hư, Thực mà thôi.
  • Bệnh Hàn thì Hàn khí hay ngưng đọng rắn chắc, các mạch Trầm, Tế, Đoản, Trì đều thuộc loại Hàn.
  • Bệnh nhiệt thì Nhiệt khí hay lưu thông thăng phát, các mạch Phù, Đại, Sác, Trường đều thuộc loại Nhiệt.
  • Bệnh Hư thì hình thể mềm yếu, các mạch Hư, Sáp, Nhu, Hoạt đều thuộc loại bệnh Hư.
  • Bệnh thực thì hình thể cứng rắn, các mạch Thực, Huyền, Khẩn đều thuộc loại Thực.
Bởi vậy ta thấy phần nhiều mạch kiêm kiến, ít thấy mạch đơn kiến.
Ngoài ra còn có Âm mạch, có Dương mạch, mà trong Âm mạch có Dương mạch, trong Dương mạch có Âm mạch.
Ví dụ: Trầm mà Hoạt là 1 Âm, 1 Dương.
Trầm, Hoạt, Trường là 1 Âm, 2 Dương.
Phù sáp là 1 Dương, 1 Âm.
Trường Trầm Sáp là 1 Dương 2 Âm.
Sau đây là các mạch kiêm kiến.

     4.1.MẠCH PHÙ
- Phù mà hữu lực : là bệnh ngoại cảm, thường gọi là Phong. Chữ Phong bao gồm cả 4 khí : Phong, Hàn, Thử, Thấp. Khi mới bị cảm 4 khí ấy là bệnh ở Biểu, tức ngoại cảm thì mạch đều Phù cả, nhưng trong đó có khác nhau.
Phù mà vô lực: là bệnh thuộc Hư. Thường do Thận hỏa suy làm mạch nổi lên chỉ lùng bùng như mỡ nổi trên nồi canh, không có lực.
Đột nhiên có mạch Phù là Thương phong (ngoại cảm). Nhưng nếu bệnh lâu mà lại có mạch Phù tức là Lý thì Hàn mà Biểu thì Nhiệt. Nếu mạch Khí khẩu cũng Phù thì lại Nội thương hư tổn.
Phù Sác: Phù (nếu có lực) là ngoại cảm, Sác là Hỏa nhiệt. Mạch Phù Sác là mạch cảm nhiệt. Nếu thấy có Phù Vi là bệnh sắp hết vì Nhiệt tà không truyền sang kinh khác.
Phù Trì: Phù mà hữu lực là ngoại cảm, Trì là Hàn. Phù Trì là mạch cảm Hàn.
Phù Khẩn: Mạch Khẩn ứng với bệnh Hàn lạnh nhiều. Phù Khẩn là mạch Ngoại cảm Thương hàn.
Phù Đại: Đại là mạch của bệnh đang thăng tiến. Vậy Phù Đại là mạch của bệnh Ngoại cảm đang sung vượng trong khi Khí Huyết suy yếu (Tà khí thịnh, Chính khí suy).
Phù Hoạt: Phù hữu lực là ngoại cảm, Hoạt ứng với Đàm Thấp, Phù Hoạt là mạch Cảm Thấp sinh ra nhiều đàm nhớt.
Phù Nhu: Nhu cũng là mạch của Đàm Thấp, đồng thời Chính khí suy yếu. Do đó Phù Nhu là mạch Thương Thấp. Khí Huyết hao mòn.
Phù Huyền: Huyền là mạch Khí Huyết suy yếu do lao tâm, lao lực. Phù Huyền là mạch Ngoại cảm lại suy nhược khí huyết.

     4.2.MẠCH TRẦM
Trầm mà hữu lực: Là bệnh Tích (Khí tích, Huyết tích, Thực tích, Tửu tích, Đàm tích…). Những mạch Trầm hữu lực đều là bệnh Lý phận, ngược với Phù hữu lực là bệnh Biểu phận.
Trầm mà vô lực: Là bệnh Khí uất, thiếu năng lực vận hành nên sinh ra các chứng Thủy thũng, Đình ẩm (uống nước nhiều, đình tích không tiêu), Hiếp trướng (hai bên hông bụng trướng đầy), Quyết nghịch (lạnh chân, khí đưa ngược gây suyễn) và bệnh Trưng, bệnh Hà ( Huyết tích kết hòn trong bụng).
Trầm Sác: Trầm là Lý, Sác là nhiệt, Trầm Sác là mạch Lý Nhiệt. Nếu mạch Nhân nghinh cũng trầm sác thì Tà ẩn phục ở Âm kinh là bệnh Thực Nhiệt.
Trầm Trì: Trầm là Lý, Trì là Hàn. Trầm Trì là mạch Lý Hàn, Huyết lạnh. Nếu mạch Khí Khẩu cũng Trầm Trì thì Khí ngưng, Huyết trệ (bệnh Trầm Hàn).
Trầm nhược: Tinh, Khí, Huyết hao mòn, đau yếu xương tủy, rụng tóc.
Trầm huyền: cũng là mạch Khí Huyết suy yếu, lao nhược.
Trầm Tế: Tế chủ về Khí, năng lực vận động. Trầm Tế là mạch Khí lực kém, tay chân không muốn hoạt động.
Trầm Khẩn Sác: Khẩn là Hàn, Sác là Nhiệt. Mạch Trầm Khẩn Sác là mạch của bệnh nóng rồi lạnh, lạnh rồi nóng ở trong Lý phận.
Trầm Khẩn (không Sác): là bệnh Huyền ẩm, trong bụng như có một bầu nước treo ở góc bụng, bí không tiêu.
Trầm Trọng (Mạch nặng như đá, mạch Thạch, khác nào như một vật nặng bỏ xuống nước chìm sâu) : là mạch của bệnh Huyết ứ đọng.

     4.3. MẠCH TRÌ
Trì mà vô lực: là bệnh Hư Hàn, nếu Nhân nghinh cũng Trì vô lực là Ngoại cảm thương hàn, nếu Khí khẩu trì vô lực là Hư lạnh Trầm tích, Nội thương Thất tình.
Trì mà hữu lực: Bộ Thốn ứng với Khí (Dương), bộ Xích ứng với Huyết (Âm). Trì hữu lực ở bộ Thốn là mạch của bệnh thuộc Khí hư, Trì hữu lực ở bộ Xích là mạch của bệnh thuộc Huyết hư, hai bộ đều Trì hữu lực là cũng bởi từ Thận Hư cả, thêm vào đó là Đàm ngưng, có Khí trệ, có Nhiệt khí ẩn phục.
Trì mà Trầm hay Khổng: là mạch Lý Hàn.
Trì mà Phù: là Cảm hàn ở Biểu phận.
Trì mà Sáp : Tinh Huyết suy lại bị Hàn lạnh làm huyết trì trệ ứ đọng gây ra bệnh Trưng, bệnh Hà, Khí không thông gây ra nghẹn ở cổ họng.
Trì Hoạt: Hoạt là mạch Đàm thấp, Trì mà Hoạt là mạch Hàn thấp tích trệ (làm bụng đầy trướng to khác thường).
Trì ứng với thời tiết: cuối tháng 6 sang đầu tháng 7 âm lịch là tháng Trưởng hạ thuộc Thổ. Khi ấy có mạch Trì tức Thổ vượng khắc Thủy nên phải gấp bổ Thận Thủy để chống đỡ, nếu ngoài thời gian ấy mà mạch Thận ở Tả Xích cũng Trì (vẫn là Thổ khắc Thủy) thì phải gấp bổ Thận Thủy.
Như vậy bất luận ngày tháng nào, hễ thấy mạch Tả Thận Trì là phải gấp ôn bổ Thủy. Nếu nhằm cuối tháng 6 (tháng Thổ) thì phải tăng bổ hơn nữa.

     4.4. MẠCH SÁC
- Sác mà hữu lực : là Thực Nhiệt, nếu Nhân nghinh cũng Sác mà hữu lực thì đó là bệnh Ngoại cảm nhiệt tà.
Sác mà vô lực : là Hư Nhiệt.
Sác Tế mà vô lực: là mạch Khí Huyết Hư Hàn mà hỏa động lên. Nếu mạch Khí khẩu cũng Sác Tế vô lực là Âm hư, Hỏa thịnh. Bệnh này chớ coi thường.
Sác Phù: Nhiệt ở Biểu phận.
Sác Trầm: Nhiệt ở Lý phận, từ trong bốc ra ngoài. Bốc lên Thượng tiêu thì nhức đầu nóng nảy, xông vào Trung tiêu thì miệng hôi, ợ chua, ói mữa, bốc sang bên trái thì Can Hỏa xông lên đỏ mắt; bốc sang bên phải thì tiểu tiện đỏ, đại tiện bí.

     4.5. MẠCH HOẠT
Hoạt: là mạch của Nhiệt khí nghịch lên, úng kết đàm tích, nếu mạch Nhân nghinh cũng Hoạt là Phong đàm kết lại (do ngoại cảm). Nếu mạch Khí khẩu hoạt là đàm nhớt kết trong Lý phận.
Hoạt mà Trì: là mạch của Đàm tích do Hàn lạnh.
Hoạt mà Phù: Đàm tích do Ngoại cảm.
Hoạt mà Nhược: Đàm tích do Âm Hỏa suy, làm Hư Hỏa xông lên.
- Hoạt mà Tán : Đàm tích lại Khí suy.
- Hoạt Sác : là mạch của Thực Nhiệt đàm tích.

     4.6. MẠCH SÁP (SÁC)
Sáp là mạch của Tinh Huyết suy kiệt. Mạch này thường ứng hợp với Khí khẩu (tay chân lạnh, sợ lạnh, da khô không có mồ hôi…).
- Sáp Tế : Tinh, Khí, Huyết suy yếu, bệnh cực Hàn.
Sáp Khổng : Mất máu làm Tinh, Huyết suy kiệt.
Sáp Khẩn : bệnh Tê lạnh bởi trúng Hàn.
- Sáp Trầm : Tinh, Khí, Huyết đều suy dễ bị ngoại cảm (Thương, Trúng) ứng hợp với mạch Nhân nghinh. Phụ nữ có Thai mà mạch Sáp Trầm thì thai bệnh, nếu không có thai thì Huyết loạn, Huyết hư.

     4.7. MẠCH ĐẠI (TO LỚN)
Mạch Đại ứng với Tà khí mạnh, Chính khí suy, bệnh đang tiến triển.
Đại Phù : bệnh ở Biểu, ngày nặng hơn đêm.
Đại Trầm : bệnh ở Lý, đêm nặng hơn ngày.
Đại Hoãn : bệnh bắt đầu hòa hoãn lại.

     4.8. MẠCH HOÃN
Mạch Hoãn là mạch báo hiệu Chính khí bắt đầu phục hồi, Tà khí không còn truyền sang kinh khác. Nếu bệnh đang tăng mà có mạch Hoãn là bệnh sắp khỏi. Nếu người bình thường vô bệnh mà có mạch Hoãn là Khí Huyết suy nhược.
Hoãn Trầm: Dương khí Hư, đầu mặt xây xẩm.
Hoãn Phù: Cảm lạnh gây tê nhức bì phu.
Hoãn Hoạt : Nhiệt khí nghịch lên trong tạng phủ.
Hoãn trì : Khí Huyết Hư Hàn.
Hoãn nhược: tuy Chính khí còn, nhưng cũng đã suy nhiều, ví như còn muốn ăn uống, nhưng không vận hành tiêu hóa được, nên đầy nghẽn, ợ ngược.

     4.9. MẠCH HỒNG
Mạch Hồng: chủ bệnh Nhiệt, Khí Huyết khô nóng.
- Hồng Thực: cực Nhiệt là điên cuồng.
Hồng Đại : Tà Nhiệt đang mạnh, tâm thần hỗn loạn, ám ảnh ma quỷ.
Hồng Khâu: Hồng là Nhiệt, Khẩn là Hàn, Hồng Khẩn là mạch của bệnh phát nóng rồi lạnh, lạnh rồi nóng. Nhiệt khí nghịch lên sinh chướng ngại đàm tích, Hàn khí làm cho Huyết trì trệ ứ đọng (bệnh suyễn thở gấp rút, bệnh trướng mãn, bệnh ung, bệnh thư ứng với mạch Khí khẩu).
- Hồng Phù: nếu ứng với mạch Nhân nghinh, Hồng Phù là mạch của Cảm nhiệt, Thương nhiệt.

     4.10. MẠCH THỰC
Thực: là Nhiệt, Khí huyết đều nhiệt. Nếu Nhân nghinh mạch thực là Thương Nhiệt.
Thực Sáp: Thực là Nhiệt, Sáp là Tinh Huyết suy kiệt. Thực Sáp là mạch của Tinh Huyết suy, nhưng Nhiệt khí bốc lên. Nếu Thực Sáp ứng với Khí khẩu là Khí Huyết bị ngưng trệ, Khí Tam tiêu bế tắc lưu hành, làm cho thức ăn đình tích thành Thấp Nhiệt sinh ra bệnh lỵ (Lý cấp hậu trọng - bắt đi cầu nhưng không đi được, mắc mót rặn hoài).
Thực Khẩn : Thực là Nhiệt, Khẩn là Hàn. Thực Khẩn là mạch của chứng khi nóng, khi lạnh. Dương Nhiệt nghịch lên (làm đầy trướng) Âm Hàn giáng xuống (làm tiêu chảy khó cầm), lại làm cho máu huyết trì trệ. Cả Âm Hàn lẫn Dương Nhiệt đều gây ra chứng đau nhức.

     4.11. MẠCH HUYỀN
Huyền chủ bệnh lao tổn, Khí Huyết hao mòn.
Huyền là mạch chính của Can, nếu bộ mạch ở tạng khác có mạch Huyền là Huyết của nó bị suy nhược (Can tàng huyết).
Khí khẩu có mạch Huyền thực phẩm đình tích không tiêu.
Nhân nghinh có mạch Huyền : Tay chân co quắp tê lạnh, lên từng cơn nóng lạnh, tâm thần kinh sợ.
Huyền Khẩn: Huyền là Khí Huyết suy, Khẩn là Hàn lãnh úng trệ. Huyền Khẩn là mạch của các chứng bệnh sợ lạnh, sán khí, bệnh tích, tức kinh lạc bị lạnh, mà Chính khí suy yếu.
Huyền Câu: dưới Hiếp đau như dùi đâm (hiếp là hai bên hông từ xương sườn cụt thằng xuống).
Song Huyền: (cả 2 tay đều có mạch Huyền) dưới Hiếp đau dữ dội. (Ở vùng dưới hiếp có huyệt Kinh môn, là Mộ huyệt của Thận, Thận là gốc của khí, Thận lại sinh Huyết, Thận bệnh thì Khí Huyết suy yếu ứng với mạch Huyền. Do đó mạch Song Huyền ứng với triệu chứng đau dữ dội ở dưới hiếp).

     4.12 .MẠCH KHẨN
Mạch Khẩn: ứng với mạch Hàn mà Khí Huyết trong người lại có phần suy kém.
Khẩn Thịnh: Ở mạch Nhân nghênh là bệnh Thương hàn. (thịnh là đi mạnh). Khẩn Thịnh ở mạch Khí khẩu là ẩm thực tích trệ là đau bụng.
Khẩn Trầm: Hàn lãnh Trầm tích.
Khẩn Sác: Nóng lạnh từng cơn.
- Khẩn Hoạt: Hàn thấp ( ăn không tiêu đình tích lại, thở ngược lên có khi thổ ra giun).
Khẩn Phù: là Biểu Hàn, Khẩn Trầm là Lý Hàn. Nếu Phù Trầm án đều khẩn là Thượng tiêu, Trung tiêu, Hạ tiêu đều bị thương hàn, trúng hàn. Nếu tay chân ấm mà tự thổ tự lợi thì sống. Nếu tay chân lạnh mà đau quặn rốn thì nguy.

     4.13. MẠCH TRƯỜNG
Mạch Trường: ở Nhân nghênh là Dương tà nhiệt độc cảm vào Tâm Can rồi truyền xuống Hạ tiêu là khắp mình nóng cao độ nằm ngồi không yên. Phép trị, nếu thuộc Biểu chứng thì nên cho pháp hãn nhẹ, thuộc Lý chứng thì nên cho Hạ. Nếu cả Xích Thốn đều Trường là chứng bạn mạch của kinh Dương minh.
Trường Đại: đàm nhiệt mê tâm sẽ phát kinh giản.
Trường Hoãn: cảm nhẹ, nếu ứng hợp với Nhân nghênh thì phát tán nhẹ sẽ khỏi, ứng hợp với Khí khẩu thì bình trị Tạng Khí sẽ khỏi.

     4.14. MẠCH KHỔNG (KHÂU)
Mạch Khổng là mất máu, làm Tinh Huyết vơi cạn.
Khổng ứng hợp với Nhân nghênh là Nhiệt tà làm thổ Huyết, nục huyết (chảy máu mũi).
Khổng ứng hợp với Khí khẩu là xuất huyết nội tạng.
- Khổng Khẩn và Sác: (nhanh) là Khí Huyết đã suy kiệt (tim ráng đập nhanh để đưa huyết đi nên có mạch Sác mà vô lực).

     4.15. MẠCH VI
Vi chủ bệnh Hàn, Khí Huyết Hư Hàn, hoặc bị xuất huyết.
Vi ở Khí khẩu là Hư Hàn ở Lý phận (thường làm ỉa chảy).
Vi Phù: Khí Huyết Hư Hàn lại bị ngoại cảm.
Vi Trầm: Khí Huyết Hư Hàn (toàn thân lạnh, tiêu chảy, xuất mồ hôi).
Vi Nhược : Tinh Khí Huyết đều hư. Ở đàn ông hao tổn chân tinh, đái ra máu. Ở đàn bà băng huyết, lậu huyết. Cả hai đều có sắc mặt tái xanh hay đen xạm.
Vi Sáp : Tinh Khí Huyết đều suy kiệt, mất máu.

     4.16. MẠCH TẾ
Tế là mạch Nguyên khí suy, Tinh Huyết kém.
Nếu Nhân nghênh có mạch Tế ứng hợp là trúng Hàn Thấp là đầy trướng, tiết tả.
Tế mà Khẩn : Khí Huyết hư hàn nặng. Đau bụng như dùi đâm, đau mình, tê liệt, trưng hà tích tụ.
Tế mà Hoạt : té ngã như trúng phong, làm ụa mữa và phát nóng.
Tế về tháng Đông quý (tháng 12 âm lịch) là mạch đúng mùa, khi ấy nếu có bệnh Cảm thương gì, dù chẳng điều trị cũng tự nhiên khỏi.

     4.17. MẠCH NHU
Nhu là mạch Khí Huyết suy yếu, chứng mất thiếu máu, chứng tê thuộc hàn lãnh, mồ hôi ra không ngừng. Nhu ở Khí khẩu thì nóng trong xương, chiều chiều lại sốt, chân cẳng yếu, ăn vào ói ra, tiêu chảy.
- Nhu mà Nhược: Khí Huyết hư hàn nặng. Trong nóng, ngoài lạnh, tự nhiên vã mồ hôi, tiểu tiện ít mà khó.

     4.18. MẠCH NHƯỢC
Nhược: mạch thuộc cả 6 kinh, 6 kinh suy yếu thì mạch Nhược. Người già mà có mạch Nhược thì Thuận, vì tuổi già sức yếu, mạch phải Nhược. Nếu tuổi trẻ có mạch Nhược thì nghịch, vì tuổi trẻ mạnh khoẻ mà mạch yếu.
- Nhược: Chân khí tinh huyết suy kém là chân tay đau nhức, thân hình bãi hoãi. Nếu mạch bộ Thốn Nhược mà Nhân nghinh cũng Nhược là đau nhức thuộc phong thấp. Nếu mạch bộ Thốn Nhược mà Khí khẩu cũng Nhược là gân rùn không hoạt động.
Trước bộ Quan gần bộ Thốn Nhược là đau nhức thuộc phong nhiệt.
Sau bộ Quan gần bộ Xích Nhược là đau nhức thuộc hàn lãnh.
Nhược: ở Xích bộ là Âm Nhược, vì Xích bộ thuộc Âm, tức là Huyết hư, không đủ nuôi gân làm cho gân co quắp.
- Nhược: ở Thốn bộ là Dương Nhược, vì Thốn thuộc Dương, tức là Dương khí hư, làm thở suyễn mà đi lại khó khăn.
Nếu cả Xích Thốn đều Nhược: mồ hôi lạnh vã ra, tinh khí thoát tiết ra.

     4.19. MẠCH HƯ
Hư: Khí Huyết suy hư là thờ suyễn, ăn không tiêu, tinh thần hoảng hốt buồn phiền, lắm mồ hôi. Trẻ em có mạch Hư là bệnh kinh phong. Người mạnh khỏe có mạch Hư là bệnh thương Thử (cảm nắng).
Hư mà Đại: làm việc khó nhọc quá hao tổn nguyên khí, tinh huyết.
Hư mà Sáp: phòng lao quá hại Thận, Khí Huyết suy yếu.

     4.20. MẠCH CÁCH
Cách: Nguyên khí hư, Tinh huyết kém, nội tạng hàn lãnh.
- Nữ có mạch Cách: băng huyết, lậu huyết, hư thai.
- Nam có mạch Cách: mất máu, thoát tinh.
Cách còn làm bệnh trúng phong, trúng thấp hay đầy trướng, suyễn thở gấp.
Cách ứng với Nhân Nghênh, trúng phong, trúng thử, trúng thấp.
Cách ứng với Khí khẩu, Nữ hư thai, nam thoát tinh.

     4.21. MẠCH ĐỘNG
Động: phần nhiều thấy ở giữa bộ Quan, không đầu, không đuôi, tức là trên không tới Thốn, dưới không tới Xích, chỉ tròn tròn như hạt đậu lúc nhúc lai động dưới ngón tay người xem mạch, chứ không xê dịch.
Động ở bộ Quan mà Nhân Nghinh cũng động là bệnh thuộc hàn lãnh.
Động ở bộ Quan, mà Khí khẩu cũng động là bệnh Tâm kinh sợ mà Đởm hàn.
Động chủ bệnh: thân thể hư suy, tay chân co quắp, băng huyết.
Động ở Dương là dương hư, mồ hôi toát ra.
Động ở Âm là âm hư, phát nóng.
- Động lay chuyển mà mạch như thúc giục mạnh là Phế khí khô, Vị khí tuyệt.

     4.22. MẠCH TÁN
Tán khí mạch phân tán, không tụ hội.
Tán mạch chết.
Tán ở ngũ tạng (trầm án Tán) làm ỉa chảy không cầm.
Tán ở lục phủ (phù án Tán) làm thở ngược, lạnh tay chân.
Tán ứng với Nhân nghinh: Chính khí thoát tiết.
- Tán ứng với Khí khẩu: Tinh huyết hao tán.

     4.23. MẠCH PHỤC
Phục là ngoại tà bế tắc, khí huyết không lưu thông mà mạch ẩn phục làm bệnh đau bụng hoắc loạn, bệnh sán tích (sán tích: đàn bà đau dây chằng, đàn ông sưng đau một hòn dái) bệnh đường tiết, bệnh thực tích không tiêu.
Phục ở Thốn bộ: bệnh đàm, bệnh nhiệt.
Phục ở Xích bộ: bệnh hàn, bệnh tích.
Phục ở Quan bộ: cũng bệnh đàm, bệnh nhiệt, thêm nóng lạnh từng cơn không chừng, làm đàm và nước tích lại đưa hơi lên thở ngược như suyễn, lạnh tay chân.
Phục Sáp: ăn không nuốt xuống được, mà có xuống rồi lại bắt thổ ra, thuộc loại bệnh “quan cách”.
Nếu mạch Khí khẩu cũng Phục Sáp là lo nghĩ nhiều, tinh thần mệt mỏi, bệnh thuộc Nội thương không phải ngoại cảm.

    4.24. MẠCH ĐOẢN
Đoản: khí trệ không thông, đau bụng tức ngực, thức ăn đình tích không tiêu là Khí tam tiêu bế tắc.
Đoản: không có Vị khí.
- Nếu Nhân nghinh cũng Đoản: ngoại tà bế tắc đường kinh lạc.
- Nếu Khí khẩu cũng Đoản: khí tích ở tạng phủ.
- Đoản mà Trầm Sáp đôi khi lại thấy Phù đó là mạch 1 dương, 3 âm, tức là âm mạch mà lại có dương phục ở trong. Mạch ấy ở vào mùa thu là chính mạch, vô bệnh. Nhưng ở vào 3 mùa Xuân, Hạ, Đông là bệnh bởi lo buồn bực giận quá nhiều, làm thức ăn không tiêu đình tích vì Khí thiếu không đủ dẫn Huyết lưu hành.
Đoản Cấp: bệnh ở thượng bộ làm nhức đầu.
- Đoản Sác: đau tim buồn phiền.

     4.25. MẠCH XÚC
Xúc: nhiệt độ cao, tức dương thịnh hơn âm. Dương đã thịnh hơn âm thì khí của âm dương không quân bình, cho nên mạch đi không liên tục được mà Khí đang đi phải dừng lại một chí rồi mới đi tiếp.
Mạch đang đi phải ngừng lại một chí để lấy sức rồi mới đi tiếp là loại mạch xấu. Nhưng Xúc bởi Khí Huyết, bởi ăn uống, bởi đàm nhớt đình trệ mà mạch không đi liên tiếp, chứ không phải tạng khí suy tuyệt thì không thể vội nhận Xúc là loại mạch Xấu.
- Xúc: tuy không hẳn là loại mạch xấu, nhưng những người già và người đau yếu lâu ngày mà có mạch Xúc thì trên càng thịnh, dưới càng hư, tức dương càng thịnh, âm càng hư thì cũng không tốt.
Xúc Cấp: Nhiệt độ tạng khí mạnh, ứng với Nhân nghinh, đàm ngưng trệ ở dương kinh, ứng với Khí khẩu, ẩm thực tích ở Vị phủ.
Phong nhiệt ủng tắc nhiều là Huyết ứ trệ sẽ phát ban, cuồng.
Nộ khí nghịch thượng là trên thịnh dưới hư sẽ phát phong giựt, phát lạnh tay chân.
Xúc Cấp: mà mạch độ, hễ thấy có phần rút bớt mới sống, nếu mạch độ cứ gia tăng sẽ chết.

     4.26. MẠCH KẾT
Kết: khí kết, tức bệnh tích. Âm khí thịnh thì khí tích kết ở Tỳ, làm khí ở Đại trường bí lại mà đau. Kết nhiều đau nhiều, kết ít đau ít.
- Kết ứng với Nhân Nghinh là Âm tán Dương sinh.
Kết ứng với khí khẩu là tích kết làm Dương khí trắc trở lưu thông.
Kết mạch đi mở rộng như cái dù to lớn là Dương kết, vì dương khí uất kết bao trùm ở ngoài không cho Âm khí ở trong hòa đồng.
Kết mạch đi vuồn vuột như vuốt cái can cứng thẳng là Âm kết, vì âm khí uất kết ở trong không cho dương khí ở ngoài hòa đồng.
Kết Phù : Hàn tà ngưng trệ đường kinh lạc.
Kết Trầm: Đàm ẩm, ứ Huyết, tích trệ ở tạng phủ. Lại những bệnh Thất tình khí uất cũng có mạch kết.
So đọ Xúc với Kết: trong người lạnh mà mạch Hoãn là Kết. Trong người nóng mà mạch Sác là Xúc.

    4.27. MẠCH ĐỢI
Đợi (Đại) mạch khí trong Ngũ tạng đã tuyệt: chết.
- Người bình thường vô bệnh, tự nhiên thấy mạch Đợi: chết.
- Người đang trong cơn bệnh mà có mạch Đợi, còn có cơ cứu sống.
- Chỉ người bệnh phong thấp nhức mỏi mà có mạch Đợi thì không lo gì, vì khi phong thấp làm trở ngại đường mạch.
- Người mang thai 3 tháng mà có mạch Đợi cũng chẳng phải lo, vì thai khí trở ngại đường mạch.
- Lại những người vô tình bị té ngã hay tai nạn xe cộ gì đó mà tổn thương Khí Huyết quá nặng, nếu có mạch Đợi cũng chẳng hại gì, vì khí huyết bị suy tổn quá nhiều trong nhất thời đột xuất nó chưa quân bình trở lại, chứ không phải “tạng khí tuyệt”, nên uống bài Chích Cam Thảo Thang để cứu lại ngay (*).
(*) Chích Cam Thảo Thang: Cam thảo 3 đồng cân, Nhân sâm 2 đồng 2 phân, Sinh địa, Quế chi, Ma tử nhân và Mạch môn đông mỗi vị 3 đồng 5 phân, A giao 2 đồng, Gừng 3 phiến, Táo 2 trái, Rượu 7 phân, nước 2 chén 3 phân. Nấu còn lại 8 phân, uống cả (xuất xứ cuối mục Thương hàn của Trương Trọng Cảnh).

    4.28. MẠCH TUYỆT
- Tuyệt: hết, Phù án hay Trầm án, đun đi, đẩy lại cũng hết thấy mạch là loại mạch chết. Nếu tại Tả Thốn, Phù tuyệt mà Trầm chưa tuyệt là Tâm mạch hãy còn, hay Trầm tuyệt mà Phù chưa tuyệt là Tiểu trường mạch hãy còn thì may ra còn có thể cứu trị phần nào.
 

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây